Còn  gần 1 tháng nữa là đến Tết của trẻ em,  hiện tại thị trường bánh trung thu cũng đã bắt đầu nhộn nhịp. Tuy nhiên, việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất bánh trung thu, đặc biệt là đối với các cơ sở  nhỏ lẻ vẫn còn nhiều lo ngại. Do đó, việc kiểm soát an toàn thực phẩm bánh trung thu đang được đặt lên hàng đầu.

 

Một xưởng bánh trung thu  nằm  trong làng nghề sản xuất  truyền thống ở Hoài Đức, Hà Nội. Những chiếc máy trộn bột cáu bẩn, sàn nhà nấm mốc như từ lâu chưa cọ rửa, những chiếc khay bánh đặt dưới sàn. Chắc hẳn, khi  nhìn thấy những hình ảnh này, người tiêu dùng sẽ có nhiều lo ngại khi mua và sủ dụng bánh trung thu.

Ông Nguyễn Văn Mạnh, chuyên gia thực phẩm cho biết: Ở đây, có nhiều mối nghi về hoá học, nguyên liệu không đảm bảo, phụ gia, chất bảo quản, phẩm màu, các loại đường tạo ngọt, không nắm được hạn sử dụng nó sẽ tạo ra sự biến đổi của những thành phần dinh dưỡng tạo ra sự biến đổi như quá trình oxi hoá chất béo khi làm bánh hay sự phát triển của hệ vi sinh vật như nấm mốc phát triển sinh ra độc tố nấm.

Có thể nói, người tiêu dùng thật sự đứng trước ma trận trong việc lựa chọn và sử dụng bánh trung thu  vì “vàng thau lẫn lộn” cũng như  nỗi lo  mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Chị Nguyễn Thu Thảo, Quận  Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ: Giờ bánh trung thu đang tràn ngập vì mùa mà. Nhưng bên cạnh sản phẩm chất lượng nhiều nơi sản xuất bánh trung thu rất mất vệ sinh mà khi nhìn thấy mình sợ luôn.

Theo ghi nhận, trên thị trường hiện có hàng trăm chủng loại bánh trung thu khác nhau, từ bình dân đến cao cấp. Và cũng   chưa bao giờ, người tiêu dùng hết lo lắng vì vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm mỗi khi mùa trung thu đến.

Để có một mùa trung thu đầm ấm, an vui, cần siết chặt công tác quản lý thị trường nhằm sớm ngăn ngừa nguy cơ hàng nhập lậu, hàng nhái, hàng kém chất lượng, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng.

Bà Nguyễn Thùy Linh, Hội Bảo vệ người tiêu dùng cho biết, trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm, sẽ xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật. Không để sót các sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có nhãn mác hoặc có dấu hiệu vi phạm khác lưu thông trên thị trường.

Để mỗi sản phẩm bánh trung thu đến với các gia đình, trẻ nhỏ được an toàn, các doanh nghiệp cần có ý thức, trách nhiệm trong từng khâu sản xuất. Liên ngành chức năng y tế, công thương, quản lý thị trường cần mạnh mẽ hơn nữa trong việc ngăn chặn bánh nhập lậu, không rõ nguồn gốc lưu hành trên thị trường.

Ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia kinh tế cho biết: Đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Yêu cầu cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, bánh trung thu ký cam kết không vi phạm quy định bảo đảm an toàn thực phẩm. Đối với cơ sở kinh doanh bánh trung thu, phải bảo đảm vệ sinh quanh quầy hàng, việc nhập khẩu và công bố thực phẩm, bánh trung thu phù hợp với quy định an toàn thực phẩm. Có như vậy chúng ta mới có thể hạn chế được tình trạng mất an toàn thực phẩm   các loại bánh trung thu khi đến hẹn lại lên.

Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 212/KH-UBND  về việc bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Trung thu trên địa bàn thành phố năm 2022. Bên cạnh sự vào cuộc, kiểm tra chặt chẽ của cơ quan chức năng, người tiêu dùng cũng cần  cẩn trọng để lựa chọn các sản phẩm bánh chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm./.

Nguồn: ANTV