Brita Ball, Chuyên gia Văn hoá An toàn thực phẩm, Canada

Ngộ độc thực phẩm vẫn tiếp tục xảy ra mặc dù Việt Nam đã có Luật An toàn thực phẩm. Lan truyền văn hoá văn hoá an toàn thực phẩm trong các chuỗi giá trị thực phẩm trên toàn quốc là một trong những cách góp phần cải thiện vấn đề này.

Thực phẩm an toàn là trách nhiệm của tất cả mọi người. Là một chuyên gia an toàn thực phẩm, đồng thời cũng là người nghiên cứu về văn hóa an toàn thực phẩm ở Canada, tôi tin rằng Việt Nam rất phù hợp để áp dụng văn hóa an toàn thực phẩm trên quy mô rộng. Vì nền tảng văn hoá của người Việt Nam là tôn trọng người khác, sống có trách nhiệm với gia đình, cộng đồng và đất nước, nên mọi người có thể hướng dẫn, kêu gọi nhau giữ an toàn thực phẩm trong chuỗi giá trị thực phẩm.

  • Khi tôn trọng người khác, bạn sẽ làm những gì đúng đắn để bảo vệ thực phẩm do bạn sản xuất hay chế biến không bị mất an toàn khi ăn. Bạn cũng thực hiện các bước để giảm thiểu hoặc loại bỏ các mối nguy về an toàn thực phẩm.
  • Khi bạn có trách nhiệm với người xung quanh và đất nước mình, bạn sẽ tuân thủ các thực hành đúng đắn, và nhất quán để không gây hại đến người khác và ảnh hưởng tới sinh kế của chính mình. Thực hành đúng cách giúp bảo vệ tất cả mọi người, đặc biệt là người già, trẻ em, phụ nữ mang thai và người bệnh. Thực hành đúng sẽ giúp nâng cao uy tín của nguồn cung thực phẩm ở Việt Nam.
  • Khi bạn tìm hiểu về an toàn thực phẩm và sẵn sàng tuân thủ quy trình sản xuất, xử lý thì mọi người sẽ tin tưởng vào sự an toàn của thực phẩm Việt Nam.

Thực hành đúng để có thực phẩm an toàn

Trong chuỗi giá trị thực phẩm thì có các phương pháp xử lý cụ thể khác nhau. Dưới đây là một số thực hành phổ biến giúp cải thiện văn hóa an toàn thực phẩm. Các thực hành có thể áp dụng trong nông nghiệp, thủy sản, chế biến thực phẩm, chợ, dịch vụ ăn uống, kinh doanh thực phẩm khác và ngay tại nhà.

Lựa chọn sản phẩm một cách khôn ngoan

  • Tìm các nhà cung cấp đáng tin cậy, mua nguyên liệu đầu vào, hoặc thành phẩm từ họ.

Sạch sẽ và khỏe mạnh

  • Đảm bảo rằng tất cả những người làm công tác xử lý thực phẩm tại cơ sở hoặc ngay tại nhà bạn, đều phải cam kết tuân thủ  các biện pháp xử lý thực phẩm tốt; Và nếu đang bị bệnh thì không tham gia vào khâu xử lý thực phẩm.

Sử dụng đúng dụng cụ và thiết bị có thể làm sạch được

  • Sử dụng dụng cụ, trang thiết bị phù hợp và an toàn cho thực phẩm. Các loại đồ dùng, thiết bị này phải dễ dàng được làm sạch và bảo trì tốt để ngăn ngừa các vấn đề về an toàn thực phẩm.

Tìm hiểu và tuân theo các quy trình an toàn thực phẩm trong lĩnh vực và vai trò của bạn

Ví dụ về các quy trình an toàn thực phẩm bao gồm:

  • Đo lường và sử dụng lượng hóa chất an toàn; Tuân thủ đúng thời gian chờ đợi/hoặc cách ly trước khi thu hoạch hoặc giết mổ, để bạn xứng đáng trở thành nhà cung cấp đáng tin cậy.
  • Triển khai thực hành sản xuất tốt và HACCP để giảm thiểu rủi ro về an toàn thực phẩm cho sản phẩm của bạn, và tăng niềm tin của người tiêu dùng đối với nguồn cung thực phẩm của Việt Nam.
  • Tuân thủ các quy trình thích hợp để làm sạch đồ dùng, dụng cụ, thiết bị và cơ sở vật chất. Điều này có thể ngăn chặn các vấn đề về an toàn thực phẩm có thể gây hại cho người tiêu dùng và uy tín của bạn.
  • Kiểm tra nhiệt độ để đảm bảo thực phẩm được nấu đủ nóng để tiêu diệt ký sinh trùng và vi trùng có hại tại các cơ sở ăn uống, bán hàng rong và tại nhà. Tìm hiểu nhiệt độ chính xác cho loại thực phẩm bạn đang nấu.
  • Để thực phẩm đã nấu chín và ăn liền tách biệt với thực phẩm sống và các dụng cụ, thiết bị không sạch sẽ. Điều này sẽ ngăn chặn ô nhiễm vô tình có thể gây hại cho người tiêu dùng và uy tín của bạn.
  • Bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ phù hợp, giúp ngăn chặn vi khuẩn phát triển làm cho  thực phẩm mất an toàn. Giữ thực phẩm dễ hỏng, hoặc có nguy cơ cao trong tủ lạnh ở nhiệt độ 0°C đến 4°C, hoặc bảo quản ở nhiệt độ trên 60°C.

Thực phẩm an toàn cho tất cả mọi người cũng là một phần trong văn hoá Việt Nam. Bằng cách có thái độ tích cực về tuân thủ các biện pháp xử lý thực phẩm an toàn ở mọi khâu trong chuỗi; Đồng thời, khuyến khích người xung quanh có những thực hành đúng đắn, chính là bạn đang giúp lan toả văn hóa an toàn thực phẩm ở ngay trên đất nước mình.

Vậy bạn cần làm gì để lan toả văn hóa an toàn thực phẩm?

Hành động của bạn có thể giúp gia đình bạn tránh xa các bệnh do thực phẩm gây ra. Hành động của bạn có thể giúp bảo vệ các doanh nghiệp thực phẩm có trách nhiệm với cộng đồng. Hành động của bạn sẽ góp phần vào sự thịnh vượng của Việt Nam.

Ảnh: Những người có văn hóa tích cực về an toàn thực phẩm luôn rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trước khi xử lý thực phẩm tại nhà hoặc nơi làm việc. Sau đó, họ lau khô tay bằng khăn sạch dùng một lần để tránh tái nhiễm.
Ảnh: Công nhân nông trại hái trái cây và rau quả sử dụng nhà vệ sinh di động và trạm rửa tay để ngăn sản phẩm bị ô nhiễm bởi chất thải của con người. Ba nhà vệ sinh di động gần xe buýt chở công nhân đi làm ruộng.
Ảnh: Nhân viên có văn hóa an toàn thực phẩm tốt luôn đội lưới trùm tóc, mặc áo khoác ngoài hoặc tạp dề để ngăn ngừa ô nhiễm thực phẩm trong bếp ăn thương mại và các công ty chế biến thực phẩm.