Bình đẳng giới là tất cả mọi người, gồm cả nam giới và phụ nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình. Họ được đưa ra lựa chọn hoặc quyết định mà không bị giới hạn bởi khuôn mẫu, định kiến và vai trò giới cứng nhắc. Chiến lược Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (GEWE) của Dự án An toàn thực phẩm vì sự phát triển (SAFEGRO), tài trợ bởi Chính phủ Canada, cam kết tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả người tham gia và hưởng lợi từ Dự án.

Khảo sát chuỗi giá trị rau ở Hà Nội, Dự án đã có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về vai trò giới của nam giới và phụ nữ trong từng khâu của chuỗi giá trị. Ở đó phụ nữ chiếm đa số trong các khâu liên quan tới sản xuất, chăm sóc, tiêu thụ. Ở các vùng khảo sát, ngoài vai trò sản xuất, phụ nữ đang chịu gánh nặng việc nhà. Họ vẫn được mong đợi là người có vai trò chính trong chăm sóc thành viên trong gia đình và nội trợ.

Chị N.T.H chia sẻ chị là người đảm nhiệm tất cả các việc nhà (như chăm sóc con cái, dọn dẹp, cơm nước cho cả gia đình. Thời gian làm việc của chị trung bình là14h/ngày, tức từ 5h sáng đến 12h đêm, và không có thời gian nghỉ trưa. Thời gian làm việc trung bình của chồng chị là 11h/ngày, từ 7h sáng đến 12h đêm, có ít nhất 1h nghỉ trưa.

Ảnh 1: Chị N.T.H trả lời phỏng vấn về bình đẳng giới

Khi được hỏi về Bình đẳng giới, chị chia sẻ:“Bình đẳng giới là gì tôi không biết. Tôi chỉ biết từ ngày lấy chồng đến nay 30 năm chưa bao giờ được rửa bát hộ. Quan sát xung quanh hàng xóm thì cũng đa số là việc nhà là phụ nữ. Tôi nghĩ việc nhà không có sự phân biệt giới tính cho đàn ông hay đàn bà. Việc nhà là việc của cả hai. Cho nên nếu Dự án có làm gì thì theo tôi nên có truyền thông việc nhà nên được chia sẻ cho cả đàn ông và đàn bà. Chúng tôi mệt lắm rồi. Có lúc ông ấy đi về chưa kịp làm xong còn bừa bãi. Ông ấy quát, ở nhà làm gì, tôi bảo, tôi cũng đi, ông cũng đi (làm) ông còn quát ai? Tóm lại, cứ phải truyền thông về Bình đẳng giới cho nam giới”.

Câu chuyện của chị H cũng giống như câu chuyện của nhiều phụ nữ nông thôn khác. Đó là phụ nữ ngày nay đang đóng vai trò kép: Vừa tham gia sản xuất, vừa phải lo lắng hầu hết việc nhà. Bình đẳng giới theo quan niệm của chị H, có lẽ không phải điều gì cao siêu hay đấu tranh chống lại đàn ông, như mọi người vẫn nghĩ. Bình đẳng giới không có nghĩa là phụ nữ và nam giới sẽ trở nên giống nhau, mà là các quyền, trách nhiệm và cơ hội của phụ nữ và nam giới sẽ không phụ thuộc vào việc họ sinh ra là nam hay nữ.