Thực phẩm an toàn là yếu tố quyết định chính về sức khỏe, hạnh phúc và an ninh lương thực của con người. Nhiều cộng đồng không thể thực hiện quyền có thực phẩm an toàn và có thể mắc các bệnh truyền qua thực phẩm (FBD), ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và sự phát triển. Thực phẩm không an toàn chứa nhiều vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng, các chất hóa học hoặc vật lý có hại có thể gây ra các bệnh cấp tính hoặc mãn tính – bao gồm hơn 200 bệnh, từ tiêu chảy đến thương tật vĩnh viễn, thậm chí cả tử vong. Ước tính hàng năm có khoảng 600 triệu người bị các bệnh truyền qua thực phẩm gây ra, dẫn đến 420.000 ca tử vong. Các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình bị ảnh hưởng nhiều nhất, với thiệt hại ước tính hàng năm là 110 tỷ Đô la Mỹ do thiệt hại về năng suất, chi phí điều trị y tế do tiêu thụ thực phẩm không an toàn.

Alinea International, cùng với Đại học Guelph, các đối tác Canada và đối tác quốc tế khác, đang tham gia triển khai một số dự án nhằm giảm thiểu rủi ro về an toàn thực phẩm ở Việt Nam và các nước Trung Á (Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan). Mặc dù các dự án này được triển khai tại các nước cụ thể nhưng chúng có tác động toàn cầu qua việc đảm bảo phù hợp với các thông lệ quốc tế tốt nhất. Việc tập trung vào an toàn thực phẩm tái khẳng định sự phụ thuộc lẫn nhau giữa sức khỏe, hạnh phúc, dinh dưỡng, an toàn thực phẩm và an ninh lương thực trong việc đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG). An toàn thực phẩm là một phần không thể thiếu trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt là mục tiêu SDG 2 (không còn nạn đói), SDG 3 (Sức khỏe và hạnh phúc), SDG 8 (Việc làm bền vững và tăng trưởng kinh tế), SDG 6 (Nước sạch và vệ sinh) là nền tảng của an toàn thực phẩm, ngoài những nội dung khác.

Dự án An toàn thực phẩm cho sự phát triển (SAFEGRO), do Bộ các vấn đề toàn cầu, nhằm tăng cường khả năng tiếp cận của người dân Việt Nam với các sản phẩm nông sản an toàn, giá cả phải chăng và cạnh tranh, với mục đích cải thiện phúc lợi của người tiêu dùng cũng như các tác nhân khác trong ngành nông nghiệp thực phẩm, bao gồm cả nông dân nghèo ở Việt Nam.

 

An toàn thực phẩm ở Việt Nam ngày càng quan trọng đối với người tiêu dùng trong nước cũng như việc tiếp cận thị trường khu vực và quốc tế. Những tin bài trên các phương tiện truyền thông, tài liệu khoa học, thông tin chính thức và phản ánh của công chúng… chứng minh rằng an toàn thực phẩm là một vấn đề lớn đang được người tiêu dùng, xã hội và chính phủ quan tâm.

Có bằng chứng mới cho thấy vẫn còn những thách thức trong việc chứng minh những cải thiện về an toàn thực phẩm hay việc giảm thiểu các sự cố do thực phẩm ở Việt Nam. Một trong những điều lo ngại đó là các mối nguy sinh học, hóa học và vật lý đã được tìm thấy trong một số thực phẩm ở Việt Nam, trong đó các mối nguy sinh học là quan trọng nhất xét về tác động trực tiếp đến sức khỏe con người.

Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu hàng đầu trên thế giới về các mặt hàng như thủy sản, gạo, hạt điều, cà phê, hạt tiêu… và thương mại có khả năng cạnh tranh ngày càng cao về chất lượng và an toàn, và đây là những lĩnh vực mà Việt Nam cần tăng cường. Dựa trên kinh nghiệm quốc tế của các quốc gia khác, việc áp dụng các phương pháp tiếp cận dựa trên nguy cơ, rủi ro và nâng cao năng lực là chìa khóa để đánh giá rủi ro, quản lý rủi ro và truyền thông về rủi ro, tất cả đều là những nội dung ưu tiên của Dự án SAFEGRO do Bộ các vấn đề toàn cầu Canada tài trợ, Alinea là Cơ quan thực thi hiện dự án phía Canada, hợp tác với Đại học Guelph.

SAFEGRO thúc đẩy hệ thống quản lý an toàn thực phẩm dựa trên rủi ro bằng cách làm việc với các bộ ngành liên quan, một số địa phương và các bên liên quan khác để hỗ trợ, tạo thuận lợi cho các tác nhân tham gia chuỗi giá trị nông sản thực phẩm làm theo những thực hành, những thông lệ hay quốc tế để sản xuất, chế biến, phân phối thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng trong nước, và tạo thuận lợi cho xuất khẩu. Dự án đồng hành cùng với xã hội dân sự và các cơ quan truyền thông để trao quyền cho người tiêu dùng, đặc biệt là phụ nữ trong việc tiếp cận thực phẩm an toàn. Ba trụ cột chính của dự án gồm: tạo môi trường thuận lợi (chính sách và quy định), chuỗi cung ứng (khu vực tư nhân, các nông hộ nhỏ) và bên cầu (nhận thức của người tiêu dùng)

SAFEGRO tập trung vào các chuỗi giá trị nông sản thực phẩm chính để hỗ trợ phương pháp tiếp cận dựa trên mối nguy nhằm giảm thiểu rủi ro về an toàn thực phẩm cho thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu đang phát triển. Dự án đang thiết kế và triển khai một khung nâng cao năng lực toàn diện, dựa trên năng lực để tào tạo cho các cơ quan quản lý, đội ngũ thanh tra để hiện đại hóa hệ thống quản lý an toàn thực phẩm quốc gia.

Dự án cũng hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo để thúc đẩy áp dụng thực hành tốt nhất được quốc tế công nhận cho tất cả các khía cạnh của một số chuỗi giá trị được chọn (trái cây, rau, thịt, nuôi trồng thủy sản). Các hoạt động can thiệp, hỗ trợ cụ thể sẽ thúc đẩy thay đổi hành vi trong các tác nhân tham gia chuỗi giá trị, bao gồm người tiêu dùng, các trường học thông qua chương trình K-12, chương trình giảng dạy cấp đại học về chuyên ngành an toàn thực phẩm theo chuẩn quốc tế. Điều này cũng bao gồm sự hỗ trợ một hệ thống về kiểm tra dựa trên rủi ro mạnh mẽ hơn, kết hợp với giám sát cẩn trọng về chứng nhận của bên thứ ba, phù hợp với hoạt động thanh kiểm tra của Chính phủ.

Ở các nước Trung Á, dữ liệu về các bệnh do thực phẩm và thông báo quốc tế về các mối nguy an toàn thực phẩm còn hạn chế và chưa giúp mô tả chính xác tình hình an toàn thực phẩm để giảm rủi ro sức khỏe cộng đồng. Việc đáp ứng tham vọng xuất khẩu sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc động vật của các nước này sang thị trường bên ngoài được hỗ trợ thông qua việc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế, các hệ thống nhận dạng động vật, các kế hoạch giám sát từ trang trại đến bàn ăn và công tác tăng cường năng lực thực thi các quy định về an toàn thực phẩm.

Trong khuôn khổ Dự án Khung hành động Một sức khỏe Trung Á do Ngân hàng Thế giới tài trợ, Alinea phối hợp với các tổ chức của Canada và của quốc tế để hỗ trợ đánh giá nguy cơ, rủi ro an toàn thực phẩm, giám sát, và lập kế hoạch hành động quốc gia. Dự án giải quyết các mục tiêu chung, các cơ chế chỉ đạo và điều phối cho hợp tác khu vực dưới hình thức chương trình Một sức khỏe chung để giải quyết các nhu cầu trong lĩnh vực bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người, kháng kháng sinh và an toàn thực phẩm, tập trung vào các mối nguy từ thực phẩm xảy ra trong tiếp xúc giữa động vật – con người – môi trường.

Do đó, dự án sẽ góp phần giải quyết ba mục tiêu cấp cao được chia sẻ giữa các quốc gia Trung Á: ngăn chặn đại dịch, khả năng phục hồi của hệ thống lương thực và nông nghiệp, thương mại và khả năng cạnh tranh trong khu vực. Thông qua Khung hành động, Chính phủ các nước Trung Á sẽ cam kết tiếp tục áp dụng cách tiếp cận Một sức khỏe hợp lý về mặt kỹ thuật và kinh tế, và đồng thời sẽ tăng cường hợp tác liên ngành, hợp tác trong khu vực để thúc đẩy an toàn thực phẩm.