Từ 8/2022 đến 3/2023, được sự hỗ trợ của dự án SAFEGRO, tài trợ bởi Chính phủ Canada, nhóm chuyên gia Truy xuất nguồn gốc (TXNG) gồm 01chuyên gia người Canada và 02 chuyên gia Việt Nam đã rà soát các quy định của Việt Nam, tiến hành khảo sát thực trạng tại các cơ sở sản xuất kinh doanh trong chuỗi cung cứng rau quả tươi, thịt lợn tại Hà Nội và TP.HCM, làm việc với các cơ quan, tổ chức có liên quan và tham vấn ý kiến các bên có liên quan. Kết quả như sau:
Về quy định về TXNG nêu rõ trong Luật ATTP, Luật Chăn nuôi, Luật Thú y, Luật thủy sản và được cụ thể hóa tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP, Thông tư 23/2018/TT- BYT, Thông tư 25/2019/TT-BYT của bộ Y tế và Thông tư số17/2021/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT. Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 100/QĐ-TTg phê duyệt đề án triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc quốc gia với sự hợp tác liên bộ ngành và địa phương, theo đó tất cả các cổng/các giải pháp TXNG trong các cơ quan quản lý và khu vực tư nhân phải liên thông, kết nối với cổng thông tin quốc gia. Tuy nhiên để cho người dân có thể tự nghiên cứu áp dụng cần có thêm hướng dẫn cụ thể, chi tiết đối với từng loại hình cơ sở trong chuỗi cung ứng của cơ quan có chức năng.
Về thực trạng áp dụng TXNG: Nhìn chung việc TXNG tại TP.HCM tốt hơn so với tại Hà Nội, có một số ít doanh nghiệp thực hiện TXNG rất tốt, chủ yếu là các công ty, siêu thị lớn, có cả áp dụng truy xuất nguồn gốc điện tử. Ngược lại tại các chợ đầu mối, chợ bán kẻ thì việc TXNG còn hạn chế, có nhiều sản phẩm bày bán tại chợ không thể truy xuất nguồn gốc, đa số các cơ sở áp dụng truy xuất nguồn gốc thủ công. Các khoảng trống được phát hiện cụ thể như sau:
– Thiếu nhu cầu về TXNG từ người tiêu thụ, bên cung cấp xem TXNG như là các chi phí gia tăng không cần thiết
– Rau củ quả từ Trung Quốc ghi nhãn bằng tiếng Trung, không có nhãn phụ, một số chợ bày bán không có thông tin về chủng loại, xuất xứ sản phẩm, hang hóa còn chứa trong các thùng tạm không nhãn
– Người dân và các nhân viên trong chuỗi sản xuất kinh doanh thực phẩm, thiếu kiến thức TXNG và thiếu kỹ năng cập nhật thông tin truy xuất điện tử
– Đối với chuỗi thịt lợn việc TXNG chưa được áp dụng ở toàn bộ các công đoạn (chỉ truy xuất đến công đoạn pha lóc); Đối với chuỗi rau, TXNG đã được áp dụng ở một số công đoạn nhất định như sơ chế đóng gói trước khi đưa vào hệ thống bán lẻ hiện đại
– Có nhiều nhà cung cấp giải pháp công nghệ TXNG (Vietel, check.vn, TEE Food…) gây khó cho người dùng vì phải sử dụng nhiều phần mềm ứng dung khác nhau thì mới có thể kiểm tra thông tin
Với các khoảng trống nêu trên, để cải thiện tình hình TXNG, nhóm đề xuất:
- Đối với cơ quan quản lý nhà nước:
• Tăng cường phổ biến quy định về TXNG, sau đó tổ chức thanh tra, kiểm tra, việc thực hiện TXNG tại tất cả các công đoạn trong chuỗi giá trị thực phẩm
• Xây dựng chương trình, đề án nhằm đẩy mạnh việc tập huấn về kiến thức TXNG cả trực tiếp và trực tuyến cho tất cả các đối tượng có liên quan; cần có hướng dẫn cụ thể, chi tiết đối với từng loại hình cơ sở trong chuỗi cung ứng thực phẩm
• Bổ sung quy định về việc chuẩn hoá cung cấp thông tin phục vụ TXNG để các đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ TXNG có thể chia sẻ, kết nối, liên thông nhằm TXNG từ đầu đến cuối trong toàn bộ chuỗi cung ứng
- Đối với dự án SAFEGRO:
• Tổ chức đào tạo kiến thức về TXNG, kỹ năng ứng dụng CNTT để thực hiện TXNG điện tử cho các cơ sở trong chuỗi giá trị đã chọn
• Hướng dẫn về áp dụng TXNG đối với các sản phẩm của cơ sở trong chuỗi giá trị được chọn. Nên xây dựng Sổ tay thực hành hoặc nền tảng học tập trực tuyến hướng dẫn thao tác một cách đơn giản dễ hiểu
• Đánh giá và cải tiến hướng dẫn để nhân rộng áp dụng cho các chuỗi giá trị khác