Dự án SAFEGRO, do Bộ các vấn đề toàn cầu Canada tài trợ, vừa hoàn thành một khóa tập huấn kéo dài 4 ngày (từ 1 đến 4/4/2024) về thực hành đánh giá nguy cơ theo phương pháp định lượng tăng cường đối với các mối nguy hóa học, đánh dấu một bước tiến đáng kể trong việc củng cố các biện pháp an toàn thực phẩm (ATTP) ở Việt Nam.
Hoạt động này hỗ trợ cho những nỗ lực hiện tại của Việt Nam hướng tới thiết lập một mạng lưới đánh giá nguy cơ mạnh mẽ, thu hút sự tham gia của các bên liên quan chính, bao gồm các bộ ngành, khối trường viện, và hiệp hội ngành nghề. Đầu tư vào các chương trình đào tạo, tập huấn chuyên ngành như khóa học này hứa hẹn sẽ mang lại lợi ích lâu dài cho sức khỏe cộng đồng, niềm tin của người tiêu dùng và sự ổn định kinh tế.
Tiến sĩ Brian G. Bedard, Giám đốc Ban ATTP và Thú y tại Alinea International, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trao quyền cho các chuyên gia để giải quyết những thách thức mới nổi về ATTP. Ông chia sẻ: “Trước sự phức tạp của những thách thức về ATTP toàn cầu, các sáng kiến như khóa tập huấn này có vai trò then chốt trong việc phát triển nguồn nhân lực, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và thúc đẩy sự phát triển bền vững cho Việt Nam”.
Khóa tập huấn được tổ chức tại Viện kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm quốc gia (KNVSATTP), do ông Greg Paoli, Chuyên gia chính về Đánh giá nguy cơ kiêm Tổng giám đốc RSI, thực hiện, với sự tham gia của các nhân sự và chuyên gia đánh giá nguy cơ từ các đơn vị liên quan thuộc các bộ NN&PTNN, Y tế và Công Thương. Khóa tập huấn tập trung vào đánh giá nguy cơ định lượng, bao gồm lý thuyết và các bài tập thực hành liên quan đến xác định mối nguy, đánh giá phơi nhiễm, đánh giá liều-phản ứng và thiết lập các giá trị ngưỡng phơi nhiễm và đặc tính rủi ro, tập trung vào các mối nguy hóa học, các mối ngụy có thể gây bệnh ung thư, các tình huống phơi nhiễm cấp tính và mãn tính, bao gồm các chất gây dị ứng. Lớp tập huấn cũng xem xét các khái niệm xác suất cần thiết để đánh giá nguy cơ ATTP, bao gồm các kỹ thuật mô phỏng Monte Carlo. Khóa tập huấn đề cập đến một số cách tiến hành QRA, bao gồm sử dụng Microsolf Excel và nền tảng phần mềm FDA-iRISK www.irisk.foodrisk.org để phân tích nguy cơ ATTP một cách toàn diện.
Ông Đỗ Thành Lâm, Giám đốc Dự án SAFEGRO, nhấn mạnh tầm quan trọng của khóa tập huấn trong việc nâng cao năng lực quốc gia trong việc thực thi các quy định dựa trên cơ sở khoa học và thúc đẩy thực hành sản xuất thực phẩm an toàn. Ông nhấn mạnh: “Bằng cách nâng cao trình độ đánh giá rủi ro định lượng, chúng ta được trang bị tốt hơn để bảo vệ sức khỏe cộng đồng”.
Tiến sĩ Trần Cao Sơn, Phó Viện trưởng Viện KNVSATTP thuộc Bộ Y tế, đánh giá cao giá trị của khóa tập huấn trong việc củng cố các nỗ lực đảm bảo an toàn, chất lượng sản phẩm thực phẩm cung cấp cho người tiêu dùng trên khắp Việt Nam. Ông cũng đề xuất Dự án xem xét, đưa vào trong kế hoạch để hỗ trợ cho các bộ ngành liên quan trong thời gian tới với những khóa đào tạo, tập huấn có quan tâm khác như là đánh giá mối nguy về vi sinh vật, có thể bao gồm những thiết kế nghiên cứu phù hợp, sử dụng số liệu thực nếu có.
Sự kiện này thể hiện cam kết của Dự án SAFEGRO trong việc thúc đẩy sự hợp tác giữa các bên liên quan nhằm tăng cường các quy định và thực hành ATTP. Bằng cách trang bị cho các chuyên gia kiến thức chuyên môn chuyên sâu, dự án nhằm mục đích truyền tải văn hóa cảnh giác và trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh nông sản, từ đó nâng cao niềm tin của người tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Khi Việt Nam tiếp tục ưu tiên ATTP như một cấu phần quan trọng trong chương trình phát triển của mình, các sáng kiến như khóa tập huấn này của Dự án SAFEGRO đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng năng lực thể chế và thúc đẩy thay đổi tích cực trong bối cảnh an toàn thực phẩm của quốc gia.