By Phuong Dzung, Thao Phan
- Theo các con, nên để những thực phẩm nào ở cánh tủ lạnh?
- Cần “tách riêng” những gì trong quá trình chuẩn bị nấu nướng?
Ai biết thì giơ tay nào! Ai trả lời đúng sẽ có quà nhé!
Sân trường trở lên sôi động. Các cánh tay giơ lên rào rào: con, con ạ. Con biết câu trả lời!
Khung cảnh náo nhiệt vừa diễn ra trong tiết chào cờ sáng thứ hai vừa qua, tại Trường Trung học cơ sở (THCS) Văn Đức, Gia Lâm, Hà Nội.
Ngày 18/9/2023, hơn 600 em học sinh và thầy cô đã cùng TS. Phan Thị Phương Thảo, Quản lý Dự án An toàn thực phẩm vì sự phát triển (SAFEGRO) tương tác, thảo luận và trả lời những câu đố vui về đề tài an toàn thực phẩm.
TS. Thảo đã giới thiệu với các em học sinh về các nguyên tắc cơ bản để đảm bảo an toàn thực phẩm, cũng như viện dẫn tới các hoạt động gần gũi với các con, như rửa tay, xếp đồ vào tủ lạnh, dấu hiệu nhận biết thịt/cá đã được nấu chín v.v Thông tin không nằm ở dạng bài giảng cứng nhắc mà được giải thích bằng lời ngắn gọn, kết hợp với các cụm từ dễ nhớ viết trên chiếc Handy hình lá phong (biểu tượng của Canada), và các câu hỏi đố vui có thưởng.
Trước đó, các thầy cô đã gửi tới các con một số tài liệu về an toàn thực phẩm (bài giảng ngắn gọn, thông tin dưới dạng câu chuyện, video…) do SAFEGRO cung cấp. Các con đã có thời gian nghiên cứu, tìm hiểu về đề tài. Rất nhiều con đã trả lời đúng các câu hỏi. Một số con chưa kịp đọc và xem video hoạt hình về con vi khuẩn (link video), khi nghe các bạn nhắc đi nhắc lại về các nguyên tắc ngắn gọn và dễ nhớ, cũng thuộc luôn.
“Vì cánh tủ lạnh có nhiệt độ không ổn định và dễ lây nhiễm vi sinh vật từ bên ngoài (khi mở đóng tủ lạnh), chúng ta chỉ nên để trứng và các thực phẩm đựng trong chai lọ kín” – Phương, học sinh lớp 8b tự tin trả lời. Cả sân trường vang lên tiếng vỗ tay tán thưởng.
Để đảm bảo các con có thời gian để nhớ, nghiền ngẫm, thay đổi hẳn thói quen và thực hành về an toàn thực phẩm, sau 10 ngày nữa, nhà trường còn tổ chức hội thi tìm hiểu về vệ sinh an toàn thực phẩm, có thiết kế riêng cho các khối lớp khác nhau: Khối 6, 7 thi vẽ tranh, khối 8 thi tiểu phẩm, khối 9 thi rung chuông vàng. Ban giám hiệu nhà trường cùng Dự án SAFEGRO tổ chức chấm điểm, chọn ra những bức tranh ý nghĩa nhất, những tiểu phẩm thú vị nhất để lưu lại, treo lên tường, và chia sẻ tới các phụ huynh qua các nhóm zalo của các lớp, giữa giáo viên và phụ huynh.
‘Chúng tôi đánh giá rất cao sự hợp tác của dự án SAFEGRO. Tôi mong rằng các em học sinh sẽ luôn ghi nhớ và thực hành những nguyên tắc này’ – thầy Đặng Minh Huy, hiệu trưởng trường THCS Văn Đức nói.
Dự án SAFEGRO trân trọng tặng nhà trường một bức tranh poster nêu năm nguyên tắc an toàn thực phẩm, theo khuyến cáo của tổ chức Y tế Thế giới: Giữ sạch; Tách riêng thực phẩm sống chín; Nấu chín; Bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ an toàn; và Sử dụng nước và nguyên liệu an toàn. Bức poster sẽ được treo ở hành lang, nơi các học sinh thường qua lại, để đảm bảo thông điệp sẽ được đọc nhiều lần và ghi nhớ.
Chuỗi hoạt động này thuộc mô hình cộng đồng an toàn thực phẩm có trách nhiệm giới đang được SAFEGRO hỗ trợ tại xã Văn Đức.
Tổng cộng gần 2000 học sinh, giáo viên và phụ huynh ở tất cả các cấp trường trên địa bàn Văn Đức: trường mầm non Văn Đức, trường cấp 1 Văn Đức và trường cấp 2 Văn Đức sẽ tham gia vào các hoạt động của SAFEGRO.
Qua đó, SAFEGRO hi vọng các em học sinh và giáo viên sẽ trở thành những người tiên phong, vừa nâng cao nhận thức của bản thân, vừa tuyên truyền vận động gia đình và cộng đồng nâng cao ý thức về an toàn thực phẩm, vì một cộng đồng khoẻ mạnh và bền vững.
Dự án SAFEGRO do chính Phủ Canada tài trợ. Alinea International phối hợp cùng Đại học Guelph và Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế và Bộ Công Thương Việt Nam thực hiện.