Triển khai hoạt động năm 2022 – 2023, Dự án “An toàn thực phẩm vì sự phát triển – SAFEGRO” đã tổ chức hoạt động khảo sát về chương trình đào tạo chuyên ngành đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm tại Việt Nam với mục tiêu tìm hiểu được thực trạng đào tạo bậc đại học về chất lượng và An toàn thực phẩm ở Việt Nam hiện nay, từ đó xây dựng chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm. Để xin ý kiến tham vấn của các cơ quan liên quan về dự thảo báo cáo, đồng thời thảo luận và thống nhất về định hướng xây dựng khung chương trình đào tạo về an toàn thực phẩm của Dự án, sáng ngày 03 tháng 6 năm 2003. Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Dự án SAFEGRO đồng phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo tham vấn “Kết quả khảo sát chương trình đào tạo bậc đại học về chất lượng và an toàn thực phẩm”
Ảnh toàn thể hội thảo
Mục tiêu hội thảo là tham vấn ý kiến của các nhà quản lý thuộc cơ quan quản lý nhà nước, giảng viên từ trường đại học, nghiên cứu viên của viện nghiên cứu, lãnh đạo, nhân viên của doanh nghiệp, hiệp hội, tổ chức quốc tế… về thực trạng đào tạo bậc đại học về Quản lý chất lượng và An toàn thực phẩm ở Việt Nam hiện nay, từ đó xây dựng chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế, đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm trong ngành nông nghiệp nói chung và công nghệ thực phẩm nói riêng.
TS. Nguyễn Như Tiệp phát biểu khai mạc hội thảo
Hội thảo đã đón tiếp hơn 60 đại biểu đến từ khối các trường Đại học trong cả nước, các cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm, các doanh nghiệp sản xuất và chế biến, kinh doanh thực phẩm, các hiệp hội nghề nghiệp, tổ chức quốc tế và tiếp nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi đóng góp tích cực vào báo cáo cũng như chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo bậc đại học về chất lượng và an toàn thực phẩm.
Hội thảo đã nghe các báo cáo của nhóm chuyên gia khảo sát chương trình đào tạo bậc đại học về khung chương trình đào tạo của các trường có đào tạo ngành thực phẩm, trong đó tập trung vào chương trình đào tạo ngành quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm của 3 trường Đại học là Đại học Bách Khoa Hà Nội, Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh. Từ đó xác định được những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của các chương trình đào tạo được khảo sát.
PGS. TS. Nguyễn Thị Minh Tú báo cáo kết quả đối sánh chương trình đào tạo chuyên ngành QLCL-ATTP
Tại hội thảo kết quả khảo sát đối với 69 đơn vị, cá nhân liên quan cho chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo đảm bảo chất lượng/quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm cũng đã được trình bày. Tất cả các bên liên quan đều đồng ý an toàn và vệ sinh thực phẩm là cần thiết và quan trọng trong ngành công nghiệp thực phẩm, đồng thời, họ cũng đưa ra phản hồi tích cực và quan trọng để đóng góp vào việc phát triển một chương trình đào tạo tốt hơn, gắn kết chặt chẽ với thực tiễn.
Ngoài ra trong khuôn khổ của hội thảo tham vấn, chương trình đào tạo quốc tế của Đại học Guelph về Công nghệ thực phẩm, An toàn thực phẩm và quản lý chất lượng cũng đã được Giáo sư Lawrence Goodridge, Giám đốc Viện Nghiên cứu An toàn thực phẩm, Đại học Guelph, Canada trình bày. Bên cạnh đó, các khóa học, môn học, hình thức đào tạo và cơ hội nghề nghiệp cũng đã được giới thiệu cụ thể. Đây là một mô hình đào tạo bậc đại học kết hợp với sau đại học được tổ chức liên thông nhằm cung cấp nguồn lao động chất lượng cao làm việc về lĩnh vực an toàn thực phẩm tại Canada.
Bế mạc hội thảo, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường, Bộ Nông nghiệp và PTNT, đồng thời là Phó Ban chỉ đạo, tổ trưởng tổ công tác liên ngành của Dự án đã cảm ơn tất cả đại biểu đã tham dự nhiệt tình, trách nhiệm trong suốt thời gian hội thảo, ghi nhận các ý kiến đóng góp thiết thực, hữu ích. Dựa trên các ý kiến này, nhóm thực hiện dự án sẽ tiếp thu và xây dựng khung chương trình chung nhưng vẫn có đặc thù riêng cho các trường (thống nhất trong sự khác biệt) để phục vụ đào tạo nguồn nhân lực tốt nhất cho xã hội trong lĩnh vực này.