Tăng cường, đổi mới phương thức tuyên truyền và phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm (ATTP), tạo cơ hội để các cán bộ quản lý Nhà nước và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý chất lượng là một hoạt động quan trọng nhằm hướng đến sức khoẻ bền vững cho người dân.
Ngày 14/12, Sở NN-PTNT Hà Nội chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn tổ chức vòng chung kết “Hội thi nâng cao kiến thức về chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023”. Dự án SAFEGRO đã tham gia hỗ trợ kỹ thuật cho các đội dự thi bằng việc chia sẻ với các đội thi về chủ đề văn hoá an toàn thực phẩm và nhạy cảm giới trong truyền thông, tư vấn cho các đội chuẩn bị trả lời các câu hỏi tình huống và góp ý cho kịch bản của tiểu phẩm phần thi năng khiếu trước vòng chung kết.
Ở vòng Chung kết, 6 đội đã trải qua 3 phần thi: Trả lời câu hỏi kiến thức, Trả lời câu hỏi tình huống và phần thi Năng khiếu. Trong phần câu hỏi tình huống, Ban tổ chức đã đưa ra một câu hỏi liên quan tới văn hoá an toàn thực phẩm, là chủ đề dự án SAFEGRO đang thúc đẩy tại Việt Nam. Đó là: “Theo Ủy ban Codex và Sáng kiến ATTP toàn cầu (GFSI): Văn hóa an toàn thực phẩm là các giá trị, niềm tin và chuẩn mực được chia sẻ có ảnh hưởng đến tư duy và hành vi đối với an toàn thực phẩm trong toàn bộ tổ chức. Anh (chị) là lãnh đạo cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản, Anh (chị) có ý kiến như thế nào về nhận định trên và nêu các giải pháp để xây dựng văn hóa an toàn thực phẩm tại cơ sở của mình?”
Đội Hà Đông đã bốc thăm được câu hỏi này và có phần trả lời xuất sắc. Đội cho rằng nhận định của Uỷ ban Codex và Sáng kiến ATTP toàn cầu là rất chính xác, đồng thời đưa ra giải pháp xây dựng văn hoá ATTP tại cơ sở. Theo đội Hà Đông, văn hóa an toàn thực phẩm sẽ được lồng ghép trong tầm nhìn và sứ mệnh của tổ chức. Người đứng đầu cam kết và chỉ đạo việc phổ biến, xây dựng kế hoạch triển khai, nêu gương và giám sát. Các chuẩn mực và hành vi về văn hóa an toàn thực phẩm được xây dựng cho toàn tổ chức và theo từng bộ phận, vị trí công việc. Tổ chức cần có kế hoạch quản lý, đánh giá thường xuyên việc thực hiện văn hóa an toàn thực phẩm để biểu dương, tôn vinh cũng như đề ra các biện pháp khắc phục tồn tại, thiếu sót.
SAFEGRO cũng đã tư vấn, góp ý về khía cạnh nhạy cảm giới cho phần thi năng khiếu của các đội thi. Các đội thi đã chú ý hơn tới việc điều chỉnh cân bằng giới trong tiểu phẩm của mình.
SAFEGRO đã tặng cho 6 đội vào vòng chung khảo khoá tập huấn về “Văn hoá an toàn thực phẩm và nhạy cảm giới trong quản lý chuỗi giá trị nông sản”.
Trong khuôn khổ dự án, SAFEGRO sẽ luôn kề vai sát cánh với Hà Nội nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các tác nhân trong chuỗi giá trị, đặc biệt là nông dân nghèo và phụ nữ, để cung ứng nông sản thực phẩm an toàn cho thị trường, đồng thời góp phần làm tăng nhu cầu của người tiêu dùng đối với nông sản thực phẩm an toàn, giá cả phải chăng tại Việt Nam.
SAFEGRO, do Canada tài trợ, luôn hướng tới mục tiêu cao nhất là đảm bảo sức khỏe lâu dài của người dân Việt Nam.