Mục đích của nghiên cứu này là để tìm hiểu các thông lệ thực hành tốt nhất trên toàn cầu (global best practices) về hệ thống an toàn thực phẩm (ATTP) tại các nước phát triển, có tham chiếu đến một số nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Tài liệu này giúp cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý, các bên liên quan chính, các nhà tài trợ trong việc thiết kế và xây dựng năng lực cho một hệ thống quản lý, kiểm soát thực phẩm quốc gia hiệu quả, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Kinh nghiệm quốc tế chỉ ra rằng việc thiết lập các biện pháp kiểm soát mang tính phòng ngừa dựa trên rủi ro và các hệ thống quản lý có thể xác minh được trong các khâu từ sản xuất ban đầu, nguyên liệu, chế biến và phân phối thực phẩm – tỏ ra có hiệu quả hơn hơn là việc thanh kiểm tra khả năng ô nhiễm trong các sản phẩm thực phẩm cuối cùng trong chuỗi sản xuất (kiểm tra sản phẩm cuối cùng). Việc xây dựng một hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm quốc gia hiệu quả đòi hỏi việc tổ chức toàn diện, tổng hợp và hợp lý về chính sách quản lý, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực để giảm thiểu, kiểm soát mức độ phức tạp của rủi ro về an toàn thực phẩm. Chúng bao gồm các chốt kiểm tra biên giới, các phòng thí nghiệm, kiểm nghiệm, các hệ thống thông tin, các nguồn lực hoạt động để theo dõi, kiểm tra, giám sát, quản lý sự cố, truy xuất nguồn gốc và sự tham gia, đồng hành của các bên liên quan để cùng chịu trách nhiệm. Báo cáo này đưa ra đánh giá về các hệ thống quản lý an toàn thực phẩm dựa trên rủi ro hiện có ở một số nước OECD trong đó tập trung vào các hệ thống, cách tiếp cận của họ về thực thi tuân thủ an toàn thực phẩm trong toàn bộ chuỗi giá trị thực phẩm.


Xem chi tiết tại đây