Nguồn: Báo Công thương

Dự án SAFEGRO đang giúp Việt Nam bảo vệ người tiêu dùng khỏi các mối nguy về an toàn thực phẩm có thể phòng ngừa được.

An toàn thực phẩm luôn là mối quan tâm hàng đầu

Thông tin về các vụ ngộ độc thực phẩm là vấn đề đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của cả người dân và các cơ quan chức năng. Khi gõ chữ ngộ độc thực phẩm tìm kiếm trên google, chỉ trong 0,26 giây cho ra khoảng 7.250 kết quả.

Bảo vệ người tiêu dùng khỏi các mối nguy về an toàn thực phẩm
Bảo vệ người tiêu dùng khỏi các mối nguy về an toàn thực phẩm. (Ảnh: M.H)

Ví dụ, vụ ngộ độc thực phẩm tại huyện Đan Phượng và huyện Phúc Thọ (TP. Hà Nội) xảy ra vào tháng 5/2024 với 186 bệnh nhân, có nguyên nhân từ dưa củ cải muối nhiễm khuẩn. Vụ ngộ độc thực phẩm gần đây nhất tại Bà Rịa – Vũng Tàu, ngày 30/11, có 379 bệnh nhân. Kết quả kiểm tra cho thấy toàn bộ mẫu thực phẩm trong tiệm bánh mì đều nhiễm khuẩn.

Theo PGS.TS Đặng Văn Chính – Viện trưởng Viện Y tế Công cộng TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam liên tục ghi nhận những vụ ngộ độc thực phẩm lớn, ngoài những vụ kể trên, còn có ngộ độc bánh mì ở Đồng Nai, ngộ độc bánh su kem ở TP Thủ Đức (TPHCM)…

Khi xảy ra ngộ độc thực phẩm, cần ưu tiên kiểm soát nhanh chóng để ngăn ngừa tác động ngay lập tức. Đồng thời, xác định nguyên nhân, nhóm nguy cơ và thực phẩm nhiễm độc để hạn chế nguy cơ lặp lại trong tương lai”, ông Chính nói.

Truy hồi sản phẩm không an toàn là yêu cầu cấp bách để bảo vệ sức khỏe cộng đồng

Khi xảy ra ngộ độc thực phẩm, việc truy xuất nguồn gốc và thu hồi các sản phẩm không an toàn là yêu cầu cấp bách. Đặc biệt, với các trường hợp ngộ độc cấp tính, việc xác định nguyên nhân và xử lý nhanh chóng có vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng hơn.

Chia sẻ những kinh nghiệm của Canada trong quản lý các sự cố ATTP, ông Pedro Chacon – Chuyên gia nguy cơ ATTP – Văn phòng ATTP và thu hồi – Cơ quan Thanh tra thực phẩm Canada (CFIA) – cho biết, việc ngăn chặn sự cố trước khi xảy ra sẽ hiệu quả hơn rất nhiều cả về phòng ngừa cũng như về mặt kinh tế. Có rất nhiều hành động mà chúng ta có thể tổ chức triển khai như nâng cao nhận thức, thực hành ATTP, bao gồm cả giám sát và phòng ngừa liên tục. Việc này sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ về sự cố ATTP, xây dựng được lòng tin của người tiêu dùng đối với thực phẩm cũng như nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về thực phẩm an toàn.

Để thiết lập một hệ thống quản lý an toàn thực phẩm quốc gia vững mạnh, ông Pedro Chacon nhấn mạnh tầm quan trọng của một khuôn khổ pháp lý hiện đại vững chắc cho an toàn thực phẩm và thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ giữa các đối tác an toàn thực phẩm. Một hệ thống an toàn thực phẩm được tổ chức tốt là rất quan trọng không chỉ để ngăn ngừa sự chồng chéo về vai trò và trách nhiệm giữa các cơ quan mà còn để đảm bảo rằng các cán bộ được đào tạo bài bản và có chuyên môn cần thiết để thực hiện các chức năng cụ thể của mình một cách hiệu quả. Cách tiếp cận này là chìa khóa để đạt được các hoạt động liền mạch và hiệu quả.

Khi sự cố an toàn thực phẩm gây ra rủi ro tiềm ẩn cho sức khỏe, Canada chủ yếu sử dụng cơ chế thu hồi tự nguyện nhưng có thẩm quyền quản lý để tiến hành thu hồi bắt buộc.

“Canada áp dụng hệ thống quản lý an toàn thực phẩm dựa trên nguy cơ. Các doanh nghiệp được cấp phép được đánh giá dựa trên mức độ rủi ro đối với người tiêu dùng. Cơ sở thiết lập mô hình rủi ro này cho phép phân bổ nguồn lực kiểm tra dựa trên rủi ro an toàn thực phẩm. Ngoài ra, các đánh giá rủi ro có thể được sử dụng để đánh giá khả năng thực phẩm gây ra bệnh. Nếu xác định được rủi ro đối với sức khỏe, các biện pháp giảm thiểu rủi ro phù hợp, chẳng hạn như thu hồi sản phẩm, sẽ được xem xét. Trong khi hầu hết các trường hợp thu hồi ở Canada được các công ty tự nguyện thực hiện, quốc gia này có thẩm quyền pháp lý để thực thi các lệnh thu hồi bắt buộc,” ông Pedro Chacon nói.

Tăng cường hệ thống ATTP

Nhằm tăng cường năng lực cho hệ thống ATTP của Việt Nam thông qua việc chia sẻ kiến ​​thức và phối hợp liên ngành cũng như hướng tới lợi ích người tiêu dùng và các bên tham gia trong lĩnh vực nông sản thực phẩm, Dự án ATTP vì sự phát triển (SAFEGRO) do Bộ Các Vấn đề Toàn cầu của Canada viện trợ không hoàn lại đang đồng hành cùng với Chính phủ Việt Nam. Đây là dự án hỗ trợ kỹ thuật do Công ty Alinea International của Canada phối hợp với Trường Đại học Guelph thực hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là Cơ quan chủ quản triển khai, với sự phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan về ATTP tại Việt Nam, giai đoạn 2020 – 2026.

Ông Nguyễn Hùng Long – Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) thông tin, hiện nay, các chính sách về ATTP tại Việt Nam tương đối đầy đủ. Dù vậy, việc cập nhật chính sách cho phù hợp với tình hình thực tế là việc phải làm.

ội thảo tập huấn Quy trình Điều tra An toàn thực phẩm và Thu hồi thực phẩm Kinh nghiệm của Canada diễn ra tháng 11 vừa qua
Hội thảo tập huấn Quy trình Điều tra An toàn thực phẩm và Thu hồi thực phẩm Kinh nghiệm của Canada diễn ra tháng 11 vừa qua

Trong tháng 11/2024, Cục ATTP (Bộ Y tế) vừa phối hợp với SAFEGRO tổ chức hai hội thảo về Quy trình điều tra và thu hồi an toàn thực phẩm, nhằm chia sẻ kiến ​​thức và cách các cơ quan Canada phối hợp hoạt động khi có sự cố mất ATTP xảy ra.

“Việc chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm của Canada là rất hữu ích cho những cán bộ quản lý tại địa phương để có thể truy xuất được đúng dòng sản phẩm từ đâu, từ đó có thể thu hồi đúng và đảm bảo”, ông Nguyễn Hùng Long nói.

Bên cạnh các hội thảo, tập huấn nhằm chia sẻ kiến thức, SAFEGRO đang nỗ lực triển khai nhiều hoạt động.

Ông Đỗ Thành Lâm – Giám đốc Dự án SAFEGRO – nói: “Một trong những sáng kiến của SAFEGRO là Sách trắng về Hệ thống kiểm soát thực phẩm của Việt Nam, nhấn mạnh sự chuyển dịch sang phương pháp tiếp cận dựa trên nguy cơ đối với an toàn thực phẩm”.

Dự án cũng đang tiến hành nâng cấp, cải thiện điều kiện ATTP tại các chợ dân sinh và chợ đầu mối, các hợp tác xã sản xuất nông sản thực phẩm, cơ sở chế biến, triển khai ứng dụng truy xuất nguồn gốc nông sản từ vườn trồng, chuồng nuôi tới siêu thị, bếp ăn tập thể để tạo điều kiện thu hồi; trang bị các kiến thức về an toàn thực phẩm và phương pháp truyền tải cho các ngành liên quan, bao gồm cả ngành giáo dục, đặc biệt là từ các lớp mẫu giáo, nơi khởi đầu của các nhận thức về ATTP. Dự án cũng triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng, các sự kiện truyền thông tại chợ và các kênh truyền thông khác, để người tiêu dùng nhận thức được về quyền được tiếp cận các sản phẩm nông sản an toàn với giá cả phải chăng.

“Chúng tôi hi vọng Dự án sẽ có tác động lâu dài và bền vững ở Việt Nam”. Ông Lâm nói.

Rõ ràng, công tác đảm bảo ATTP là hành trình lâu dài. Bằng cách thúc đẩy sự hợp tác quốc tế và xây dựng năng lực, Dự án SAFEGRO đang giúp Việt Nam tiến gần hơn đến mục tiêu bảo vệ người tiêu dùng khỏi các mối nguy về ATTP có thể phòng ngừa được và điều chỉnh các hoạt động của mình theo các tiêu chuẩn quốc tế, vì sức khỏe của người Việt Nam, và vì sự phát triển bền vững.