Trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước; sự vào cuộc quyết liệt của các Bộ Ngành, nhận thức, ý thức trách nhiệm của các tổ chức cá nhân sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng thực phẩm ngày càng được nâng cao. Nhờ vậy, nguồn cung nông sản thực phẩm cho tiêu dùng trong nước không những gia tăng về khối lượng, đa dạng về chủng loại mà còn từng bước được cải thiện về chất lượng, an toàn, truy xuất được nguồn gốc xuất xứ. Các chỉ số đánh giá như tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh được chứng nhận đáp ứng hoặc ký cam kết tuân thủ qui định ATTP; tỷ lệ mẫu giám sát đạt yêu cầu ATTP; số cơ sở và diện tích trồng trọt, nuôi trồng thủy sản được chứng nhận VietGAP và tương đương; kim ngạch xuất khẩu 9 tháng 2022, 2021 …. đều gia tăng đáng kể so với năm 2016, năm Quốc hội giám sát tối cao về ATTP, cụ thể:
(1) Tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh được chứng nhận đủ điều kiện ATTP tăng từ 90.7% (năm 2016) lên 94,8% (2021) và 99,5% (2022)
(2) Tỷ lệ mẫu giám sát đạt yêu cầu ATTP tăng từ 92,4% (2016) lên 96,1% (2021) và 97,6% (2022).
Mặc dù chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản được cải thiện đáng kể nhưng còn chậm, không ổn định, còn khoảng cách với các nước phát triển; tỷ trọng thực phẩm NLTS có khả năng truy xuất, minh bạch nguồn gốc xuất xứ còn thấp dẫn đến chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng trong nước cũng như để mở rộng thị trường xuất khẩu. Số lô hàng nông sản, thủy sản xuất khẩu bị nước nhập khẩu trả về; số vụ vi phạm về ATTP, ghi nhãn hàng hóa, truy xuất nguồn gốc phát hiện trong nước đã giảm nhưng còn cao, còn gây bức xúc, khủng hoảng lòng tin người tiêu dùng như phản ánh trong phóng sự điều tra của Báo Tuổi trẻ gần đây “Rau sạch dởm ‘biến hình’ vào siêu thị”…
Để đảm bảo nguồn thực phẩm nông lâm thủy sản chất lượng, an toàn, minh bạch cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu phù hợp với Chiến lược phát triển Nông nghiệp Nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn 2045, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Đề án “Đảm bảo ATTP, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản giai đoạn 2021-2030” và giao Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản chủ trì phối hợp với các cơ quan đơn vị trong và ngoài ngành triển khai thực hiện.
Qua đánh giá thực trạng cho thấy còn nhiều tồn tại, bất cập trong quản lý, kiểm soát chất lượng, ATTP và nguồn gốc xuất xứ dọc theo chuỗi cung ứng thực phẩm cả về cơ chế, chính sách pháp luật cũng như hạ tầng và tổ chức sản xuất, phân phối, tiêu dùng nhưng có thể thấy rõ 2 điểm nghẽn: (1) Các qui định pháp luật về chất lượng, an toàn, ghi nhãn, truy xuất nguồn gốc thực phẩm chưa được các bên liên quan chuỗi cung ứng hiểu đúng và thực thi nghiêm túc và (2) chưa xác định và tác động đúng mức đến các khâu trọng yếu trong chuỗi cung ứng phù hợp với các biến động, thay đổi đang diễn ra.
Do vậy, để làm rõ hiện trạng, nội dung, trách nhiệm của các bên liên quan trong triển khai 2 nhiệm vụ nêu trên, ngày 18/10/2022, tại thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị “ Đảm bảo chất lượng, an toàn và minh bạch nguồn gốc xuất xứ thực phẩm cho người tiêu dùng Việt Nam“
Mục đích của Hội nghị là (1) Chia sẻ thông tin đến các địa phương, cơ quan quản lý, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp phân phối, tiêu thụ thực phẩm về hiện trạng chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản; vai trò và trách nhiệm của các bên trong công tác quản lý, kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm và truy nguồn gốc xuất xứ thực phẩm; (2) Thống nhất một số điểm mấu chốt, giải pháp và cơ chế phối hợp trong việc kiểm tra, giám sát chất lượng, an toàn thực phẩm và minh bạch nguồn gốc xuất xứ thực phẩm cho người tiêu dùng Việt Nam.
Hội nghị tập trung thảo luận về các nội dung bao gồm:
(1) Tổng quan về quản lý chất lượng, an toàn và nguồn gốc xuất xứ theo chuỗi cung ứng/chuỗi giá trị nông lâm thủy sản tại Việt Nam;
(2) Hiện trạng công tác quản lý, kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm và truy nguồn gốc xuất xứ thực phẩm tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.
(3) Chia sẻ thực tế hoạt động tự kiểm soát chất lượng, ATTP và minh bạch nguồn gốc xuất xứ sản phẩm của 1 số Hiệp hội, doanh nghiệp phân phối bán lẻ nông sản thực phẩm
(4) Kinh nghiệm của Canada trong quản lý chất lượng, an toàn, đặc biệt là nguồn gốc xuất xứ theo chuỗi giá trị nông sản thực phẩm.
(5) Thảo luận thống nhất các giải pháp và cơ chế phối hợp trong công tác bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm và minh bạch nguồn gốc xuất xứ thực phẩm cho người tiêu dùng Việt Nam.
Kết quả hội nghị sẽ tác động đến mục tiêu kép trong công tác bảo đảm chất lượng, ATTP, minh bạch truy xuất nguồn đó là “Bảo vệ sức khỏe nhân dân và phát triển nông nghiệp bền vững”. Tiếp tục khẳng định quan điểm, trọng tâm quan tâm và chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong công tác chất lượng, ATTP đó là:
(1). ATTP là lõi, bắt buộc, quản lý theo qui định, qui chuẩn; Chất lượng là ATTP + Giá trị gia tăng cho sản phẩm (hữu hình và vô hình) theo tính chất tự nguyện áp dụng theo tiêu chuẩn.
(2). Quản lý chất lượng, ATTP theo chuỗi, từ gốc, gắn với truy xuất nguồn gốc.
(3). Có sự tham gia của nhiều bên: trách nhiệm đầu tiên của cơ sở SXKD, hệ thống chính trị, khối khoa học công nghệ, khuyến nông cùng tham gia giám sát, hỗ trợ.