Bài viết của Yến Phùng và Phương Dung
Một buổi tối bình dị, khi Phương đang chơi đồ chơi ở phòng khách thì bố mẹ đi làm về mang theo một túi ổi chín.
Đôi mắt Phương sáng lên khi nhìn thấy túi ổi. “Mẹ ơi, cho con rửa ổi nhé?” Bé háo hức hỏi mẹ.
Mẹ Phương bất ngờ quá, đưa mắt nhìn nhanh sang bố. Bố cũng không thốt lên được lời nào. Cả hai bố mẹ cùng nhìn về phía ông bà. Ông bà đang nấu ăn trong bếp, nghe cháu hỏi liền chạy ra phòng khách xem chuyện gì đang xảy ra. Phương đang cầm túi ổi và sẵn sàng mang ra bồn rửa.
Cả nhà không tin vào mắt mình. Phương là con đầu cháu sớm, được gia đình cưng chiều hết mực. Đôi khi bé được ông bà xúc cơm cho ăn mặc dù ở tuổi đó, Phương có thể làm được.
Nhưng hôm nay thì khác, Phương tự rửa trái cây trước khi ăn, và thực hiện đúng các thao tác cần thiết. Phương thích thú cười với những giọt nước chảy trên tay và bắn lên mặt.
Phương là một trong 336 trẻ (190 nam và 146 nữ) ở độ tuổi từ 3- 5 tuổi trường Mầm non Văn Đức, huyện Gia Lâm, Hà Nội đã được tham gia chương trình giáo dục về vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP). Chương trình được hỗ trợ bởi Dự án An toàn thực phẩm vì sự Phát triển (SAFEGRO) do Chính Phủ Canada tài trợ. Alinea International phối hợp cùng Đại học Guelph và Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế và Bộ Công Thương Việt Nam thực hiện.
Trong hơn 10 ngày, trẻ được học nguyên tắc cơ bản về an toàn thực phẩm và các thực hành cơ bản như rửa tay, rửa trái cây, phân loại và bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh. Phụ huynh được khuyến khích thực hành cùng trẻ ở nhà.
Khi Phương hỏi xin mẹ cho rửa ổi, điện thoại của mẹ em cũng báo có tin nhắn của cô giáo: ‘Hôm nay các con học về rửa trái cây ở lớp. Cô giáo mong phụ huynh giúp trẻ thực hành thêm ở nhà”.
Kết quả khảo sát đầu ra với trẻ từ 3-5 tuổi tham gia chương trình cho thấy, hơn 80% trẻ đã nắm được 4 nguyên tắc cơ bản về vệ sinh ATTP (rửa sạch, tách riêng, nấu chín và làm lạnh), tăng 20% so với khảo sát ban đầu. Hơn 90% trẻ thực hành đúng các bước vệ sinh cơ bản đảm bảo ATTP (rửa tay, rửa trái cây, lau dọn bàn ăn, sắp xếp thực phẩm và bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh), tăng > 20% so với ban đầu. Bên cạnh đó, 22 giáo viên và gần 70% phụ huynh của 336 trẻ tham gia chương trình thí điểm cũng đã tích cực tham gia chương trình, được cải thiện thiện kiến thức về vệ sinh ATTP.
“Việc tham gia chương trình và giảng dạy các em đã khiến tôi thay đổi hành vi của bản thân. Tôi cẩn thận hơn trong việc bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh đúng cách và an toàn. Những thực hành này rất phổ biến nhưng tôi đã từng bỏ qua. Từ bây giờ tôi sẽ làm theo, cũng như tích cực chia sẻ với mọi người.” Cô giáo Thùy Dung, Trường Mầm non Văn Đức nói.
Ban giám hiệu nhà trường và giáo viên cho rằng đây là một hoạt động khá bổ ích, thích hợp để lồng ghép linh hoạt vào chương trình giáo dục mầm non. Nhà trường đã có kế hoạch tiếp tục lồng ghép chủ đề an toàn thực phẩm vào chương trình giảng dạy hiện hành. Chủ đề giáo dục về gia đình và tự chăm sóc bản thân tháng 10 và tháng 11 được đánh giá là rất phù hợp để tích hợp kiến thức và hành vi vệ sinh ATTP.
Cô Đào Phương Lan, phó Hiệu trưởng trường mầm non Văn Đức phát biểu trong cuộc họp đánh giá kết quả triển khai chương trình giáo dục ATTP.
Nhà trường đã lên kế hoạch tiếp tục lồng ghép chủ đề an toàn thực phẩm vào chương trình giảng dạy hiện hành.
Ở quy mô lớn hơn, SAFEGRO hi vọng có thể hợp tác với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Gia Lâm để áp dụng chương trình giáo dục về an toàn thực phẩm tại tất cả các trường trong huyện và hướng tới cả các trường khác trên địa bàn Hà Nội. Về lâu dài, SAFEGRO mong muốn hợp tác với Bộ Giáo dục và Đào tạo (MOET) để triển khai ở tất cả các trường mẫu giáo và trung học cơ sở trên quy mô toàn quốc.
Chương trình giáo dục an toàn thực phẩm này là một phần của mô hình cộng đồng an toàn thực phẩm có trách nhiệm giới đang được SAFEGRO hỗ trợ tại xã Văn Đức.
Ông Brian G. Bedard, Giám đốc An toàn Thực phẩm và Sức khoẻ động vật, Alinea International cho biết: “Bên cạnh trường mẫu giáo, SAFEGRO hy vọng hợp tác với nông dân, hợp tác xã và chợ địa phương để thu hút sự tham gia của toàn bộ chuỗi giá trị, cũng như toàn bộ cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm, thay đổi hành vi an toàn thực phẩm và thúc đẩy văn hóa an toàn thực phẩm hướng tới kết quả sức khỏe cộng đồng tốt hơn”.
Câu chuyện rửa ổi của Phương đã truyền cảm hứng cho toàn thể đội ngũ SAFEGRO với mong mỏi bé và tất cả các em nhỏ sẽ thực hành an toàn thực phẩm mỗi ngày, góp phần xây dựng văn hóa an toàn thực phẩm lành mạnh vì một Việt Nam khỏe mạnh hơn.
* Tên của nhân vật đã thay đổi, căn cứ vào chính sách bảo vệ trẻ em.